Xem phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca



Phóng sự về Chùa Cổ Thạch qua ống kính Truyền hình Tỉnh

Đồi Cát Cổ Thạch - Nơi Còn Lưu Giữ Những Giá Trị Lịch Sử Văn Hoá Rất Xa Xưa

(Thứ Ba, ngày 07/03/2023)

Đồi cát Cổ Thạch nằm tại thôn 3 của xã Bình Thạnh, cách chùa Cổ Thạch 1,5 km theo hướng Tây Nam. Quý Quan Khách và Phật Tử có thể đi xe ôm để đến đây chụp hình check-in và tìm hiểu các giá trị văn hoá tại 2 ngôi Đình cổ đó là Đình Bình An và Lăng Ông Nam Hải (hay Lăng Cá Ông).


Vị trí đồi cát Cổ Thạch. Ảnh Google maps

Đình Bình An được tạo lập vào năm Canh Thìn (1700) để thờ Thành Hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền và những người có công trong việc lập làng và dựng đình ngày trước. Đình Bình An là di tích có niên đại sớm nhất trong số các đình làng ở Bình Thuận với nhiều giá trị nổi bật trên các mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu cho loại hình kiến trúc nghệ thuật dân gian thế kỷ XVIII - XIX ở Bình Thuận. Trong tổng thể chung, các công trình kiến trúc chính của đình gồm 3 nóc: đình Chính, đình Trung và Bái đình được bố trí ở trung tâm giữa khuôn viên theo bình đồ dạng chữ Tam (≡). Bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc phụ trợ khác như: Thông linh quan (cổng chính); Hằng thái môn (cổng bên hữu), Hàm tụy môn trổ về bên tả, nhà Tiền hiền, Nhà thờ Binh sỹ, Nhà thờ ông Đoàn Xuân Thao (người giàu có và đức độ ở trong làng), nhà Khánh y và nhà Nhóm.

Trải qua hơn 300 năm tồn tại kể từ lần đại tu từ năm Minh Mạng thứ 13 (1832), đến nay các công trình kiến trúc chính của di tích được bảo tồn nguyên vẹn. Mặc dù chịu nhiều tác động của thời gian, mưa bão, môi trường thẩm thấu, sự phong hóa và bào mòn của hơi mặn nước biển và bom đạn của hai cuộc chiến tranh tàn khốc hủy hoại; nhưng di tích vẫn còn đứng vững chắc bởi kỹ thuật kiến trúc xây dựng đầy sáng tạo và công phu của ông cha ngày trước.

Bên cạnh những giá trị kiến trúc nghệ thuật vô giá, nội thất các hạng mục kiến trúc của di tích còn lưu giữ khá nhiều di vật, đồ tế khí được tạo tác hoàn chỉnh và hầu hết đều có niên đại từ thế kỷ XVIII - XIX như: Tấm bia đá được lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832), 5 Sắc phong các vua Triều Nguyễn ban tặng cho các vị Thần thờ cúng tại đình, 2 Đại hồng chung được vua Gia Long ban tặng, 2 pho tượng Quan Thánh đế quân bằng gỗ trầm hương và còn nhiều hiện vật quý khác như: khám thờ, hương án, tràng kỷ, hoành phi, liễn, đối, một số hiện vật bằng sành, sứ, vải…

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, đình Bình An được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia tại Quyết định số 1460/QĐ/VH ngày 28 tháng 6 năm 1996.


Đình Bình An. Ảnh: chuacothach.vn

Tại đây cứ hai năm một lần, vào ngày 16 tháng 2 âm lịch sẻ diễn ra lễ hội tế Xuân cầu an gắn liền với các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian khác như: hát bội, múa lân, múa liễn… Lễ hội là không gian để người dân gửi gắm niềm tin, đề đạt khát vọng lên các vị thần linh về một cuộc sống sung túc và bình an. Đây cũng là dịp để các cá nhân trong cộng đồng giao lưu kết nối tình thân ái, vui chơi nghỉ ngơi sau những ngày lao động mệt nhọc; là nơi giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương đất nước và trao truyền các bí quyết thực hành lễ hội đối với thế hệ trẻ.



Lễ hội Tễ Xuân vào ngày 16 tháng 2 âm lịch. Ảnh: chuacothach.vn

Lăng Ông Nam Hải hay Lăng Cá Ông được xây dựng từ đời Vua Minh Mạng (1820-1840). Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay lăng vẫn còn giữ được nhiều giá trị văn hóa. Đặc sắc nhất là quần thể kiến trúc cung đình mà không phải nơi nào cũng có được.


Lăng Ông Nam Hải. Ảnh chuacothach.vn

Tương truyền từ thời rất xa xưa có một ông Nam Hải “lụy” bồng bềnh theo dòng thủy triều trôi dạt vào. Người dân Bình Thạnh phát hiện và khấn vái đưa ông vào bờ. Ông Nam Hải này có thân thể khổng lồ, dân vạn chài không thể di chuyển đi nơi khác được mà phải mai táng tại chỗ, sát bờ biển.

Rồi một hiện tượng khác lạ xảy ra. Vào ngày 22 tháng 8 (âm lịch) năm 1982, một sáng mùa thu nắng đẹp, người dân bỗng thấy có nhiều đốm đen bập bềnh trên sóng nước di chuyển về hướng bờ. Đó là sự xuất hiện của 36 ông Nam Hải áp sát vào bờ theo đội hình mũi tên. Trong đoàn binh ấy, có một ông đang thoi thóp, thân hình dài 12 m, cao 1,5 m, da đen tuyền. Ngư dân tỏ lòng tôn kính sợ ông mắc cạn nên dìu ông ra nhưng ông không có dấu hiệu phản ứng. Đàn cá voi chờ mãi đến khi ngư dân lo xong xuôi việc tang lễ cho đồng loại của mình mới từ từ trở lại biển cả. Một thời gian sau đó cốt hai ông cùng được ngư dân đưa vào lập lăng thờ.

Lăng ông Nam Hải được ngư dân xây dựng ở địa thế “Thủy tụ sơn triều”, tức là có nước chảy về hội tụ và đồi cát chập chùng bao bọc hai bên; tựa vào đài nguyên cát trắng theo phương vị Đông Nam-Tây Bắc, đứng soi mình bên bờ biển đẹp. Lăng là sự thể hiện lòng biết ơn của con người đối với sự ưu ái của biển khơi và ngưỡng mộ quyền uy của ông Nam Hải.


Hài Cốt Ông Nam Hải. Ảnh chuacothach.vn

Đời Vua Minh Mạng, lăng được trùng tu trên quy mô lớn gồm khu chánh điện, tiền sảnh và vỏ ca. Công trình được trải rộng trên diện tích 1.500 m2, cả tường thành và tường lăng được xây bằng nhiều chủng loại đá núi, san hô rất đặc biệt dày đến 1,2 m. Bắt đầu là cổng lầu rộng hình bán nguyệt, có đắp nổi hai cá kình, hóa thân từ Quan Thế Âm Bồ Tát.

Khu chánh điện có ba nếp nhà mái kép đặt song song theo bố cục chữ Tam. Kết cấu công trình theo lối “chồng rường” bằng loại gỗ qúy hiếm, đá phiến và san hô. Hệ thống cửa thông nhau theo kiểu mái vòm tạo cảm giác sâu thẳm, ấm cúng. Chánh cung có ba gian, điện thờ năm gian, phía sau là hệ thống tẩm thờ lưu giữ hài cốt ông Nam Hải.

Đặc biệt lăng ông không thờ tượng, chỉ thờ hài cốt, thuần nhất về phong cách, trầm lắng về ý tưởng. Nội điện có đồ thờ tam sự, ngũ sự, đài rượu; ngoại giả có long kiệu, loan giá, tàn lộng, bát bửu.
Trang trí nội thất rất đặc biệt, tạo cảm giác trang nghiêm, lộng lẫy, trong đó màu vàng (tức đất) là gốc của vạn vật, màu tôn qúy nhất. Hoa văn chạm khắc đắp nổi hình rồng như Long hổ triều viên; Lưỡng long triều nguyệt; Ngư long hý thủy. Hệ thống ngũ sắc, ngũ âm như một triết lý nhân văn, biểu hiện sâu sắc về phong tục thờ cúng, lễ hội, thần linh.

Tháng Sáu lịch cúng đức ông
Ai đi đâu đó nhớ mong mà về

Câu ca dao này đã ăn sâu vào trong lòng người dân Bình Thạnh mỗi năm khi tháng 6 về. Lễ hội Lăng Ông được tổ chức vào ngày 16-6 âm lịch hàng năm với đầy đủ các nghi thức trang trọng, đặc sắc và tôn nghiêm. Lễ hội nhằm cầu cho trời êm biển lặng, mưa thuận gió hòa, cá rộ đúng mùa. Ngư dân Bình Thạnh đều tụ tập về lăng ông để thắp nén hương thể hiện tâm linh thành kính và sự biết ơn, cầu mong ông phù hộ một năm bội thu.

Lăng ông Nam Hải nằm trong quần thể kiến trúc cổ xưa như chùa Cổ Thạch, đền Bình An và Khu du lịch Bình Thạnh nên hàng ngày rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến lăng để thưởng thức vẻ đẹp của kiến trúc cổ, đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo. Bên cạnh đó, nếu vào ngày trăng sáng, du khách có thể tản bộ ra đồi cát tìm cho mình một chổ ngồi lý tưởng để ngắm nhìn ánh trăng sẻ càng thích thú và cuốn hút hơn.



Kinh
Sách

Trì
Chú

Học
Phật

Niệm
Phật

Đạo
Và Đời

Cúng
Dường