Xem phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca



Phóng sự về Chùa Cổ Thạch qua ống kính Truyền hình Tỉnh

Chùa Tháp Thích Nguyên Hương - Di Tích Thánh Tử Đạo

(Thứ Ba, ngày 06/06/2023)

Tiểu sử về Đại Đức Thích Nguyên Hương
Đại Đức Thích Nguyên Hương tục danh là Huỳnh Văn Lễ, sinh năm 1940 tại làng Long Tĩnh xã Liên Hương, quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Nay thuộc thị trấn Liên Hương huyện Tuy Phong. Thân phụ là Huỳnh Thân, thân mẫu là Trương Thị Lang, Ngài là con một của gia đình. Song thân của Đại Đức vốn là một Phật tử thuần thành. Khi còn nhỏ, Đại Đức thường được mẹ dẫn đi chùa nên sớm gần gũi với đạo Phật. Năm lên 6 tuổi thọ Tam Quy với thượng toạ Thích Quang Chí toạ chủ chùa Linh Bửu. Năm 12 tuổi thọ Ngũ Giới. Đến năm 20 tuổi Đại Đức thọ Cụ Túc Giới được Hoà thượng Thích Viên Trí ban đạo hiệu là Đức Phong. Sau khi thụ giới Ngài chuyên tu niệm tinh tấn, hành trì kinh kệ và được hoà thượng Viên Trí trạch cử trụ trì chùa Bảo Tạng.

Năm 1963, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, triệt hạ cờ Phật giáo, bắt bớ đánh đập Tăng Ni, chà đạp lên tín ngưỡng chân chính của Phật tử. Hoà vào phong trào đấu tranh của Phật giáo toàn Quốc, chư Tăng và Phật tử Bình Thuận đã dấy lên phong trào đấu tranh mãnh liệt. Khởi đầu là những cuộc biểu tình, tuyệt thực đòi hỏi chính quyền thoả mãn năm nguyện vọng chính đáng của Phật giáo. Đại đức Thích Nguyên Hương từ chùa Bảo Tạng lên đường vào Phan Thiết để tham gia vào công cuộc đấu tranh của Phật giáo tỉnh Bình Thuận.
Ngày 4/8/1963 là ngày đấu tranh quyết liệt của Phật giáo đồ Bình Thuận. Đại Đức Thích Nguyên Hương đã tham gia tuyệt thực đòi hỏi năm nguyện vọng chân chính của Phật giáo. Sau những đêm thao thức, suy tư về sự nghiệp tồn vong của Đạo pháp như thôi thúc tâm lực đại bi của Đại Đức. Sau cùng Đại Đức đã quyết định noi gương Bồ Tát Quảng Đức phát nguyện thiêu thân để cúng dường Tam Bảo và đấu tranh cho năm nguyện vọng chân chính của Phật giáo đồ. Sau khi để lại những bức tâm thư bày tỏ ý nguyện của mình, vào lúc 12 giờ trưa ngày 15/9 năm Quý Mão (ngày 4/8/1963), Đại Đức đã dùng xăng tẩm lên chiếc y vàng ngồi tĩnh toạ trước đài liệt sĩ bên hông Toà Hành Chánh Tỉnh, cạnh dòng sông Cà Ty, tự tay châm lửa. Đại Đức đã chấp tay tịch diệt trong lửa đỏ rực huy hoàng, lúc này Ngài vừa tròn 23 tuổi. Nhục thân của Đại Đức đã bị những bàn tay vô minh cướp đem chôn tại nghĩa trang làng Long Tĩnh, Tuy Phong, huyễn thân tuy mất nhưng tấm gương vì Pháp thiêu thân của Đại Đức mãi mãi cho hậu thế soi chung.



Đại Đức Thích Nguyên Hương là ngọn đuốc thứ hai sau Hoà thượng Thích Quảng Đức. Công hạnh Bồ Tát hi sinh vì đạo của Ngài đã tô thêm cho trang sử Phật Giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Bình Thuận nói riêng một điểm son rực rỡ. Tăng Ni Phật Tử Việt Nam muôn đời kính vọng.

Để tưởng nhớ đến Công đức vô lượng của Đại Đức, ngày 15 tháng 11 năm 2009. Ban trị sự Phật Giáo tỉnh Bình Thuận đã làm lễ đặt đá khởi công xây dựng khu di tích của Đại Đức tại quê nhà. Bao gồm bảo tháp tưởng niệm Đại Đức 4 tầng cao 25m tôn thờ ngọc xá lợi Phật, và chư vị Thánh Tăng, tượng đài Đại Đức Thích Nguyên Hương bằng đồng ngồi trong lửa, và ngôi chùa thờ tự gồm tầng trệt và một tầng lầu.



Dưới tầng trệt là gian thờ Đại Đức Nguyên Hương và Đạt Ma Tổ Sư, trên tầng lầu là khu chánh điện, chính giữa thờ Đức Phật Thích Ca, bên trái thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát và bên phải thờ Tây Phương Tam Thánh, bốn góc khu chánh điện có bốn vị Tứ Đại Thiên Vương hộ Pháp.



Hiện tại Chùa được Sư Cô Vạn Nhiên trông nom. Do chùa nằm ngay mặt tiền đường Quốc Lộ 1A, đoạn có dãi phân cách chạy dọc theo nên không thuận tiện cho việc đi lại của Phật Tử tại địa phương. Nếu đi từ hướng Tp. Phan Thiết đến chùa theo Quốc lộ 1A thì thuận tiện hơn cho Phật Tử. Khi đến chùa hành hương tưởng niệm Đại Đức Thích Nguyên Hương và Lễ Phật, Quý Quan Khách và Phật Tử còn được ngắm nhìn cận cảnh những chiếc quạt gió khổng lồ đang quay phía trước ngôi Chùa.



Và đừng quên ghi lại những bức ảnh kỹ niệm khi đến tham quan khu di tích chùa tháp Thích Nguyên Hương.

Kinh
Sách

Trì
Chú

Học
Phật

Niệm
Phật

Đạo
Và Đời

Cúng
Dường