Xem phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca



Phóng sự về Chùa Cổ Thạch qua ống kính Truyền hình Tỉnh

Chùa Cổ Thạch - Giá Trị Lịch Sử Trong Kháng Chiến Chống Giặc Giữ Nước

(Chủ Nhật, ngày 04/12/2022)

Lịch sử Phật Giáo gắn liền với dân tộc, lẽ dĩ nhiên không riêng gì chùa Cổ Thạch mà các ngôi chùa ở Việt Nam đều ít nhiều có đóng góp cho dân tộc qua việc giữ gìn và bảo vệ Tổ Quốc trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và phát triển văn hoá Phật giáo.

Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Tuy Phong đã viết nên những trang sử vẻ vang với những địa danh mà khi nhắc đến, ai cũng cảm thấy lòng đầy tự hào và ngay kẻ địch cũng phải ngạc nhiên thán phục. Đó là cầu Đại Hoà, nơi tự vệ chiến đấu Tuy Phong và lực lượng vũ trang Bình Thuận tổ chức đánh đồng đầu tiên, thể hiện ý chí ngoan cường, dũng cảm. Phan Rí, Thái An, nơi thực dân Pháp liệt vào "vùng xung yếu đáng gờm", "vùng đất máu",... Còn La Gàn (xã Bình Thạnh ngày nay), một làng biển căn cứ của huyện có hầm chiến đấu dài cả cây số, có trạm liên lạc hàng hải chuyển vũ khí vào Nam, đưa đón cán bộ cao cấp qua lại, đã nuôi dấu đồng chí Lê Duẩn gần một tháng trời, thì địch coi như là một chiếc gai đâm vào mắt phải nhổ bằng "máu và lửa". Chúng đã dùng chính sách "tam quang" (đốt sạch, giết sạch, phá sạch) gây nên 3 cuộc tàn sát đẫm máu gần 400 người. Sang thời ký chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ, Tuy Phong đứng vững là "căn cứ lòng dân" của lực lượng kháng chiến. Trên đường hành lang Nam-Bắc, vùng núi La Bá vẫn là nơi đùm bọc, cưu mang bộ đội cán bộ. Riêng làng biển nhỏ La Gàn, với chiều dài 2km, chiều ngang non 400 mét, mặc dù bị địch bao quây tứ phía và tuyên bố là vùng "tự do huỷ diệt", vẫn là địa bàn dừng chân của cán bộ một số cơ quan khu, tỉnh, huyện kể cả tỉnh bạn Ninh Thuận, Lâm Đồng, đi về giải quyết một phần hậu cần như lương thực, thực phẩm, thuốc men,...


Nhà tưởng nhiệm đồng chí Lê Duẩn tại xã Bình Thạnh

Chùa Cổ Thạch cách làng Bình Thạnh 1.500 mét về phía Đông, người đầu tiên dựng chùa là Thiền Sư Hải Bình - Bảo Tạng, thuộc thế hệ 40 của Thiền Phái Lâm Tế - chi phái Liễu Quán vào năm 1835.


Tháp tưởng niệm Thiền Sư Hải Bình Bảo Tạng

Vào khoảng 1839, Thiền sư Hải Bình - Bảo Tạng tiếp tục đi vào phương Nam, một thời gian sau Hoà thượng Trừng Quang - Thiện Minh trụ trì... Sau đó, việc trông coi chùa Cổ Thạch do Tỳ kheo Nguyễn Trừng Thanh thuộc thế hệ 41 Lâm Tế chánh tông. Ngày nay còn tháp mộ nằm dưới chân tháp Tổ có ghi: "Thế quý Nguyễn Trừng Thanh Tỳ kheo chi mộ".


Tháp mộ thủ Tự Nguyễn Trừng Thanh

Nhiều vị trụ trì chùa Cổ Thạch qua đời nơi đây hoặc đến rồi đi... Mãi đến năm 1940, Phật tử trong làng mời Hoà thượng Nguyên Hồng - Từ Hoá về trụ trì. Hoà thượng tên thật là Trần Thinh, do Ngài đã tham gia hoạt động "Việt Minh đồng chí hội" ở Phú Yên đã bị lộ bí mật, để tránh né bọn mật thám, Ngài đổi tên là Nguyễn Hữu Cầu ẩn tu tại một số chùa ở Phú Yên. Sau đó, Ngài theo đường biển đến chùa Cổ Thạch. Người đã bị chính phủ nam Triều bắt giam 2 lần vì tội có hình vi chống nhà nước bảo hộ Pháp. Tháng 1 năm 1947, Hoà thượng Nguyên Hồng - Từ Hoá viên tịch tại chùa Cổ Thạch, địch lùng sục vào chùa, không cho Phật tử và dân làng mai táng, bắt phải đưa quan tài về đồn Long Hương (thị trấn Liên Hương ngày nay) để khám xét. Nhân dân đấu tranh có lý, có tình, buộc địch phải để lại tại chỗ. Bọn địch mở nắp quan tài, không thấy có gì, trơ trẻn kéo nhau đi để mặc cho dân lo liệu mai táng Hoà thượng. Từ đó chùa Cổ Thạch lâm vào cảnh di dời do chiến tranh. Nhân dân Bình Thuận đã hết lòng bảo vệ chùa Cổ Thạch và cử Đại sư Ngộ Tú trông coi chùa. Trong năm này 1947, trống sấm của chùa Cổ Thạch dùng để thúc quân đồn cầu Đại Hoà huyện Tuy Phong. Sau đó, đem về chùa đặt lên gác trống cho đến nay.

Ảnh: Gác trống, nơi lưu giữ trống thúc quân ngày xưa của Chùa Cổ Thạch. Nguồn: Ảnh cắt từ clip

Năm 1956, các Phật tử tại làng lập Ban Bảo trợ mời Thầy Lê Huấn, pháp danh Tâm Hộ, tự Thiện Thành, hiệu Minh Đức về làm Giám tự và trụ trì cho đến năm 2007 viên tịch, phú pháp di chúc để lại cho Đại đức Nguyên Hưng - Từ Minh kế vị trụ trì cho đến nay (2022).

Trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975). Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ năm 1973, chùa Cổ Thạch là nơi tập kết và cũng là tuyến xuất phát của một phân đội C490 thuộc huyện đội Tuy Phong đánh vào Long Hương trước khi hiệp định Paris có hiệu lực.

Năm 1962, chùa Cổ Thạch lập "Am tự cô hồn" theo kiến tạo của chùa. Sau này thờ vong linh liệt sĩ. Quân dân Bình Thuận và khu VI ai mà không biết đến chùa Cổ Thạch. Ngoài thắng cảnh và di tích xưa, chùa còn là địa danh gắn liền với 2 cuộc kháng chiến của dân tộc và đã: " Trải qua 2 thời kỳ lớn đấu tranh chống ngoại xâm Pháp, Mỹ. Chùa Cổ Thạch đã là một trong những điểm son của Tỉnh và huyện. Chùa đã tự hào trong suốt dòng lịch sử, đã gắn bó với đất nước và dân tộc". Bởi có sự nhận thức đúng đắn rằng: Sự tồn vong của Phật giáo gắn liền với vận mệnh của dân tộc trong mọi thời điểm của lịch sử.

Thông tin được trích dẫn lại nguyên bản từ Tạp chí Nghiên cứu Phật Học (Cơ quan Ngôn Luận của Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam) - số tháng 9 năm 2019


Tìm hiểu về giá trị di sản văn hoá của Chùa Cổ Thạch đối với Đất Nước



Kinh
Sách

Trì
Chú

Học
Phật

Niệm
Phật

Đạo
Và Đời

Cúng
Dường