sắc bất dị không không bất dị sắc
sắc tức thị không không tức thị sắc

Xem phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca



Phóng sự về Chùa Cổ Thạch qua ống kính Truyền hình Tỉnh

Ngũ Uẩn Giai Không là gì

(Chủ nhật, ngày 18/12/2022)

Như đã đề cập trong bài viết về Tứ Diệu Đế, Đức Như Lai đã khái quát bốn nỗi khổ về tâm gồm:
- Khổ vì mong cầu mà không có được
- Khổ vì yêu thích mà phải xa lìa
- Khổ vì không ưa mà phải gặp gỡ, chung sống
- Khổ vì năm ấm hưng thịnh (hay ngũ ấm, ngũ uẩn).

Bài viết này sẻ đi phân tích sâu hơn về ngũ uẩn - nguyên nhân làm cho chúng ta khổ khi sống ở cõi này.
Ngũ uẩn hay còn gọi là ngũ ấm. “Ngũ” gồm năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức; “uẩn” là sự tổ hợp; “ấm” là che đậy, trùm phủ. Tựu chung lại, ngũ uẩn (ngũ ấm) là năm tổ hợp che phủ thân tâm chúng ta, làm cho trí tuệ chân thật không hiển lộ ra được. Ngũ uẩn (ngũ ấm) không chỉ nói về thân xác mà còn bao gồm phần tinh thần của chúng ta. Vậy nên, thiếu một uẩn cũng không được mà phải đầy đủ năm uẩn mới hợp thành một chúng sinh. Cũng giống như nắm tay là do 5 ngón tay cùng với bàn tay kết hợp mà thành, nếu xòe bàn tay ra thì không còn gọi là nắm tay nữa.



o Sắc uẩn: chữ Sắc ở đây không phải là nhan sắc, vẻ đẹp bên ngoài, chữ Sắc trong Phật Giáo nói có nghĩa là về vật chất, là thân xác thịt của chúng ta, gọi là thân tứ đại: đất, nước, gió, lửa hợp thành. Ví như thân này tổng hợp từ các cơ quan trong cơ thể gồm: lục phủ ngũ tạng, da, mỡ, thịt,… tượng trưng cho Đất. Máu, nước bọt, nước mắt,… tượng trưng cho nước. Nhiệt độ trong cơ thể tượng trưng cho lửa (lửa sanh nhiệt). Quá trình cơ thể hô hấp hít vào thở ra tượng trưng cho gió.

o Thọ uẩn: là các cảm thọ mà ta thường gọi là cảm giác. Cảm giác sung sướng thì gọi là thọ lạc, đau khổ gọi là thọ khổ, trung tính gọi là thọ xả, bất khổ bất lạc (không khổ không sướng). Như vậy, thọ uẩn của chúng ta chỉ có ba trạng thái: một là khổ, hai là lạc, ba là bất khổ bất lạc. Ví như buổi sáng dậy thấy mặt trời rất đẹp, chúng ta vươn vai, hít thở thấy khoan khoái, đó là thọ lạc. Đến buổi trưa, chúng ta gặp phải chuyện bất như ý: bị va quẹt xe, bị mất mát tài sản,… đó là lúc thọ khổ xuất hiện. Buổi tối chúng ta ăn cơm xong không thấy vui cũng không thấu buồn gọi là xả thọ hay cảm thọ trung tính. Dù cảm giác, cảm xúc như thế nào thì chúng ta cũng quy về ba cảm thọ này.

o Tưởng uẩn: là những tri giác, tư tưởng, suy nghĩ và nó gần như chi phối toàn bộ cuộc sống tâm linh của chúng ta. Chúng ta nhớ gì, nghĩ gì, tưởng tượng điều gì đều thuộc tưởng uẩn.

o Hành uẩn: là các sự vận hành nơi tâm thức của chúng ta. Các cảm xúc yêu thích, ghét bỏ, giận dỗi, chán nản… là thuộc về hành uẩn. Hành uẩn kích thích tưởng uẩn để sinh ra tất cả suy nghĩ đáp ứng, phản ứng lại với các ngoại cảnh trong cuộc sống của chúng ta.

o Thức uẩn: đó là khả năng nhận biết, phân biệt các giác quan hay sáu căn đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý của chúng ta. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần (Sắc trần – cảnh vật, Thanh trần – âm thanh, Hương trần – mùi hương, Vị trần – vị khi ăn uống, Xúc trần – cảm giác ở thân, Pháp trần – cảnh ở trong tâm) để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được các yếu tố bên ngoài, như: mắt nhận biết về chuyển động, hình dáng, màu sắc,…(gọi là Nhãn Thức). Tai nhận biết về âm thanh (gọi là Nhĩ Thức). Mũi nhận biết về mùi (Tỷ Thức). Lưỡi nhận biết về vị (Thiệt Thức). Da trên thân thể nhận biết được sự nóng, lạnh, đau, rát,… (Thân Thức). Ý là những nhận thức của chúng ta (Ý Thức).

Đến đây nếu chiêm nghiệm kỹ giữa Ngũ Uẩn và Lục Căn thì sẻ thấy giữa chúng có mối liên hệ với nhau: trong ngũ uẩn có lục căn, trong lục căn có ngũ uẩn. Như Sắc uẩn thì sẻ là 5 căn - mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Còn các uẩn Thọ - Tưởng - Hành - Thức thì tác động đến Ý căn.
Năm uẩn này hợp lại thành một thân người, nếu có uẩn nào hưng thịnh quá thì sẻ làm cho mình khốn khổ. Như: thân thể mập (ốm) quá hay trưng diện hình sắc thái quá thì khiến cho mình bận tâm cực khổ. Nếu cảm xúc dao động quá thì sẻ làm tâm trí mệt nhọc, nhơn đó mà khổ. Nếu tư tưởng, suy nghĩ quá nhiều ắt phải chịu khổ não. Nếu tính mưu, liệu kế hành động nơi lòng thái quá thì luôn bất an, não loạn. Nếu cố ý nhớ việc này, phân biệt chuyện kia thái quá cũng sẻ bị khổ não.

Vậy làm thế nào chúng ta diệt được cái khổ do 5 yếu tố này sinh ra. Thì trong nội dung của Bát Nhã Tâm Kinh đã đề cập đến việc này. Trong đó đoạn đầu có nói rằng:
“Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời,
chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Xá Lợi Tử, Sắc bất dị không, không bất dị sắc,
Sắc tức thị không, không tức thị sắc.
Thọ tưởng hành thức diệc phục như thị”
.
Câu này dịch nghĩa sang thuần Việt thành: Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy 5 uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn. Này Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.

Chữ “Không” trong Bát Nhã Tâm Kinh có ý nghĩa là tính rỗng. Ví như một vật chất mà mắt thường có thể nhìn thấy được có tính rỗng của nó, khi đi sâu vào các thành phần cấu tạo nên nó thì sẻ là từ các hạt phân tử rồi xuống hạt nguyên tử, từ nguyên tử xuống lượng tử, lượng tử xuống điện tích, điện tích xuống chân không. Mặt khác giữa các hạt này cũng có khoảng cách với nhau. Đó là tính rỗng của vật chất mà chữ “Không” trong Bát Nhã Tâm Kinh muốn nói đến. Từ đó chúng ta được hiểu như sau: thân thể này chẳng phải là tôi, thân thể này là rỗng. Và cái rỗng cũng chính là vật chất trên đời này. Cảm thấy, tư tưởng, suy nghĩ, cảm xúc, nhận thức cũng có tính rỗng, và tính rỗng cũng chính là nó.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu hơn: Khi ta đánh chuông, tai nghe tiếng chuông vừa thanh vừa ngân trong nhiều giây. Nhưng sau khi hết tiếng chuông thì cái ta nghe là gì! Đó là nghe được sự im lặng của tiếng chuông, sự rỗng không của tiếng chuông, bản thân tiếng chuông đó, hay bất cứ âm thanh nào khác cũng có tính rỗng của nó, bởi vì nó rỗng nên âm thanh mới dần dần tan biến hết, chứ nó không rỗng thì ta sẻ luôn luôn được nghe tiếng chuông. Chứ không phải là tai của ta không nghe thấy gì hết, nếu nói như vậy thì tức là tai của ta đã bị Điếc, mà đã bị Điếc thì làm sao mà nghe được tiếng chuông lúc đầu (nếu quán chiếu theo câu "có sanh thì có diệt" thì âm thanh của tiếng chuông cũng không tránh khỏi quy luật này).
Hay như lúc ta nóng giận khi có ai đó làm ta bất như ý, nhưng khi người đó nói lời xin lỗi thì mình cảm thấy bình thường lại, điều đó có nghĩa là cái cảm xúc nóng giận đó nó cũng rỗng không, chính vì rỗng không nó mới tan rã ra làm cho ta hết giận. Chứ nếu nó trường tồn thì cảm xúc nóng giận đó sẻ đeo bám ta từng giây từng phút.

Vậy để thoát khỏi những cái khổ do 5 uẩn này gây ra, chúng ta cần dùng trí tuệ quán chiếu rằng chúng đều không có thực tại, chúng biến đổi liên tục do đó chúng ta cũng đừng bám chấp vào để tự mang khổ cho mình. Như hôm nay bạn khen tôi vì tôi nấu ăn ngon cho bạn, nhưng rồi sẻ có lúc bạn chê tôi vì món ăn không hợp khẩu vị bạn. Người giác ngộ được ngủ uẩn giai không sẻ hiểu đó chỉ là những cái giả hợp, và cảm thấy bình thản trước mọi lời khen - chê, tán dương hay trách mắng.

Hay nói cách khác là hãy luôn giữ tâm mình như sự êm dịu của mặt nước trong hồ, đừng để nó gợn sóng khi có ai đó ném đá vào.

Nội dung của Bát Nhã Tâm Kinh - bản Hán Việt

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.

Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới.

Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo.

Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.

Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.

Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. (3 lần)

Bản dịch nghĩa thuần Việt của Bát Nhã Tâm Kinh:

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.

Nầy Xá Lợi Tử, vật chất như cơ thể này chẳng khác gì khối rỗng không, khối rỗng không chẳng khác gì cơ thể này, cơ thể này chính là khối rỗng không, khối rỗng không chính là cơ thể này. Cảm giác, suy nghĩ, cảm xúc, ý thức cũng đều như thế.

Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Cho nên trong cái rỗng không đó, nó không có vật chất, không có cảm giác, tư tưởng, cảm xúc, ý thức.

Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Không có vật chất, âm thanh, mùi hương, hương vị, cảm xúc, cách thức.

Không có cái chúng ta đang nhìn thấy cho đến không có cái ý thức chúng ta đang có.

Không có sự thiếu hiểu biết, mà cũng không có hết sự thiếu hiểu biết.

Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.

Không có khổ, không có nguyên nhân gây khổ, không có cách diệt khổ và cũng không có phương pháp diệt khổ.

Không có sự thông minh cũng không có thành tựu, vì không có sở đắc.

Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.

Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.

Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.

Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!


Kinh
Sách

Trì
Chú

HỌc
Phật

Niệm
Phật

Đạo
Và Đời

Cúng
Dường