Lời nói không là dao mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói mà mắt cứ cay cay Lời nói không là mây mà đưa ta xa mãi

Xem phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca



Phóng sự về Chùa Cổ Thạch qua ống kính Truyền hình Tỉnh

Bát Chánh Đạo là gì?

(Chủ Nhật, ngày 4/12/2022)

Đó là 8 con đường chân chính, đúng đắn để đưa mọi người đến bờ an nhiên, thanh tịnh. Vậy 8 con đường chân chính đó là gì, chúng ta nên hiểu và tu tập theo như thế nào để đạt được sự giải thoát, xin hãy đọc bài phân tích dưới đây để được hiểu rõ hơn.

1. Chánh kiến: là sự hiểu biết, sự nhận thức đúng của trí tuệ về thế giới quan, nhân sinh quan. Đó là tập trung tư tưởng vào chân lý đúng, chiêm nghiệm và nhận ra rằng đó là quy luật của tự nhiên. Đó là hiểu được tất cả sự vật hiện hữu trên thế gian đều do nhân duyên sinh ra, không có gì là trường tồn và nó luôn biến đổi. Hiểu rằng có nhân-quả, nghiệp-báo, có sinh ra thì có chết đi. Nhận thức được sự hiện diện của mình, của mọi người tại thời điểm này, có sum họp thì có chia xa. Nhận thức được rằng có hạnh phúc thì có khổ đau,… tất cả đều là vô thường.

2. Chánh tư duy: có nghĩa là suy nghĩ chân chánh, không trái với lẽ phải. Từ hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) làm cho ta suy nghĩ đúng, hiểu được rằng trên hành trình nào cũng có gian khó hiểm nguy nhưng ta vẫn kiên trì và tin tưởng vào con đường của mình. Hiểu được nguồn cội gây khổ đau cho mình, cho người là vô minh, là tham-sân-si. Từ hiểu biết đó mới đi vào con đường tu tập để giải thoát cho bản thân, thoát khỏi tham sân si bằng cách giải quyết các vấn đề trên tinh thần hài hòa, rộng lượng, cởi mở, tha thứ, tương dung.

3. Chánh ngữ: là nói lời chân thật, ngay thẳng. Không nói lời xảo trá, thêu dệt, đâm chọc hại người, không nói lời ác độc, thô tục,… Chánh ngữ là nói lời hòa nhãn, giản dị, mang tính tuyên dương, khích lệ sao cho mở ra cảnh cửa giác ngộ từ tâm của mỗi người. Tại sao một lời chỉ trích dù đúng hay sai đều có thể gây thất vọng, giận dữ, tự ti nhưng lời khích lệ lại có thể cứu cả một mạng người!

4. Chánh nghiệp: là hành động đúng đắn, chân chính, không làm điều xấu hại vật, hại người. Như hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng sự sống của mọi người, mọi loài. Hành động có thận trọng, không tổn hại đến nghề nghiệp, tài sản của người khác. Không vì lợi ích của cá nhân mà làm những điều hại đến chúng sanh.

5. Chánh mạng: nghĩa là thân mạng này được nuôi sống bằng nghề nghiệp chân chính, không tổn hại đến lợi ích và sinh mạng của chúng sanh khác. Đức Phật dạy rằng: bất cứ công việc nào cũng có thể được coi là chánh mạng nếu nó không mang lại tác hại cho bản thân người làm và không gây hại cho bất cứ chúng sanh nào khác.

6. Chánh tinh tấn: nghĩa là siêng năng chuyên cần chân chánh, ngay thẳng, phấn đấu liên tục, không nản lòng, tập trung đi đến lý tưởng mà Đức Phật đã dạy. Hăng say làm những việc mang lại lợi ích cho mình và chúng sanh. Luôn trau dồi trí tuệ, lòng thương yêu chúng sanh để làm chủ được bản thân.

7. Chánh niệm: nghĩa là an trú nội tâm của mình vào thời điểm hiện tại, ý thức được khoảnh khắc hiện tại và tập trung vào khoảnh khắc đó. Như khi ăn cơm thì ý thức rằng mình đang ăn cơm, khi đi bộ thì ý thức rằng mình đang đi bộ,… không để bị xao nhãng tâm trí bởi tác động từ bên ngoài. Như rất nhiều người ăn cơm nhưng không ý thức được rằng mình đang ăn cơm vì suy nghĩ mãi mê về công việc dang dở, về lời nói của người khác làm mình tức giận,… nên mặc dù thân này thì đang ăn cơm nhưng nội tâm thì đã bị ngoại cảnh lấy đi.

8. Chánh định: định có nghĩa là thiền định, là tập trung tư tưởng tu tập thiền định. Bao gồm: Bất tịnh quán là quán các pháp không thanh tịnh để trừ tham dục, si ái,... Nhân duyên quán là quán tất cả pháp đều do nhân duyên mà thành, không có một pháp nào riêng biệt trong thế giới tương tác đương nhập (Kinh Hoa Nghiêm), không chân thật, không trường tồn để đoạn trừ ngu si, thiên chấp. Giới phân biệt quán nghĩa là phân biệt và quán sát sự giả hợp của 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức - Bát Nhã Tâm Kinh) để thấy không thật có ngã pháp và diệt trừ ngu si cố chấp. Số tức quán nghĩa là quán hơi thở để đối trị tâm tán loạn giúp đi sâu vào thiền định.

Nói cách khác, Bát Chánh Đạo chính là ba môn học Giới - Định - Tuệ. Chúng ta không nên nghĩ rằng một trong ba môn học hoặc Giới, hoặc Định, hoặc Tuệ tự thân nó là cứu cánh; mà mỗi môn học là một phương tiện để đi đến cứu cánh, đạt được trí tuệ và giải thoát. Nghĩa là mỗi môn học không thể tu tập độc lập với các môn học khác, vì nó là cái kiền 3 chân, không thể thiếu 1 trong 3. Tam học nương tựa và hỗ trợ lẫn nhau, nhờ Giới cũng cố cho Định, Định trở lại thúc đẩy trí tuệ, nhờ Trí Tuệ loại trừ tà kiến, thấy các pháp (sự vật hiện tượng) như chúng thật sự là, đó là thấy cuộc sống và tất cả pháp liên quan đến cuộc sống đều phải chịu sanh, diệt vô thường, chúng không có một tự ngã, không có một tự tính tồn tại mà là mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống này đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác. Hiểu đơn giản hơn là chúng ta cần tu tập 8 chánh pháp trên cùng đồng thời trong cuộc sống này để có thể đạt đến bờ tịch tịnh.

Nội dung bên trên được tổng hợp lại từ nhiều nguồn chia sẻ về lời Phật dạy, trong quá trình biên soạn và chia sẻ lên đây khó tránh khỏi sai sót. Rất mong Quý Quan Khách và Phật Tử đóng góp nhằm giúp thông tin được hoàn thiện hơn.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!


Kinh
Sách

Trì
Chú

HỌc
Phật

Niệm
Phật

Đạo
Và Đời

Cúng
Dường