Xem phim Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca



Phóng sự về Chùa Cổ Thạch qua ống kính Truyền hình Tỉnh

Chùa Cổ Thạch - Kiệt tác của thiên nhiên tại một vùng đất đầy nắng và gió mang tên "Tuy Phong"

(Chủ Nhật, ngày 04/12/2022)

Toạ lạc tại xã Bình Thạnh huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận, nằm trên ngọn đồi cao 64m so với mực nước biển, Chùa Cổ Thạch được xây dựng theo thế tựa vào những tảng đá lớn, hướng ra biển.
Đường lên chùa dốc thoai thoải, quanh co theo triền đồi, và được che phủ bởi hàng cây xanh mát. Quần thể kiến trúc của chùa gồm nhiều am, điện, cốc liên hoàn với nhau trên khu đồi đá tự nhiên rộng hơn 4 ha.

Ảnh: Chùa Cổ Thạch nhìn từ trên cao hướng ra biển. Nguồn: cắt từ clip

Cổng tam quan dẫn vào khu chánh điện được trấn bởi hai linh vật Voi và Hổ. Hai vị hộ pháp từ thuở khai hoang, luôn hộ trì bảo vệ cho Tam Bảo. Chánh điện của chùa được xây dựng trên một khu đất rộng bằng phẳng, dựa lưng vào các phiến đá lớn tạo nên sự vững chãi, chắc chắn.

Ảnh: Cổng tam quan dẫn vào khu chánh điện. Nguồn: Internet

Cũng như những ngôi chùa trên núi đá khác, một số điện và am thờ của chùa được xây giữa những tảng đá to, hoặc trong lòng các hang đá, tạo nên cảm giác thật gần gũi, tự nhiên. Chùa Cổ Thạch vốn được hình thành nên từ những tảng đá khổng lồ, mang hình thù kỳ lạ, nằm gác tựa, chồng chất lên nhau. Thế đá xếp chồng tạo nên nhiều hang động. Trong lòng mỗi hang động thờ Phật, chư vị Bồ tát, hoặc một nhà sư tổ đã viên tịch. Trên vách đá quanh các am, điện được vẽ những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật và các chư vị Bồ Tát.

Ảnh: Điện thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề. Nguồn: Internet

Trên mỏm núi đá nhỏ sát bờ biển có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát uy nghi, tự tại. Bồ tát đứng nhìn ra biển khơi với ánh mắt thật hiền từ, nguyện lắng nghe cứu khổ cho mọi chúng sanh.

Ảnh: Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Nguồn: Internet

Nếu như phía Đông Nam của chùa Cổ Thạch nhìn ra biển bao la ngọn sóng, thì ba mặt còn lại của chùa đều là núi rừng hoang sơ và những dải đá nguyên sinh tuyệt đẹp. Vì thế, Cổ Thạch tự mang trong mình một vẻ đẹp nguyên sơ độc đáo. Gối đầu trên mỏm đá núi là hàng ngàn phiến đá và hang động đa dạng và vô cùng huyền bí. Nơi đây quanh năm chan hòa ánh nắng, khí hậu mát mẻ trong lành được chắt lọc bởi những luồng gió biển mặn mà, mát lạnh. Tất cả tạo nên một thiên cảnh trầm lặng lý tưởng để tìm về Giác ngộ. Tại sao lại nói như vậy, tuy khí hậu mát mẻ nhưng nơi đây thường đón nhận những cơn gió lớn cả ngày, gió có thể quật ngã cả xe máy nếu tay lái của bạn không vững. Cái hay cái lạ ở đây là khi bạn đặt chân vào khuôn viên của chùa rồi thì gió chỉ man mát nhè nhẹ, tạo cho bạn một cảm giác thanh tịnh, không như bên ngoài. Khi bạn vượt qua những cơn gió lớn ngoài kia để đến chùa Cổ Thạch cũng giống như chúng ta đã vượt qua những điều trần tục của thế gian, ngịch cảnh của cuộc đời để tìm về với sự bình yên, tìm về sự Giác ngộ.

Ảnh: Toàn cảnh chùa Cổ Thạch. Nguồn: Ảnh cắt từ clip

Tại đây còn có một đỉnh trông giống như đỉnh Linh Thứu. Từ đỉnh Linh Thứu phóng tầm mắt ra xa, Quý Quan Khách và Phật Tử có thể quan sát được toàn cảnh núi rừng, xa xa là bãi biển của chùa Cổ Thạch với những viên đá lấp lánh sắc màu của bãi đá con có tên gọi là bãi đá bảy màu. Bãi biển Cổ Thạch cũng là nơi hấp dẫn khi mọi người kết hợp du lịch tâm linh với khám phá, du ngoạn. Gió biển mang cái mát lành len qua núi đồi khe đá hòa lẫn với tiếng tụng niệm trầm hùng, tiếng mõ tiếng chuông văng vẳng quyện với mùi khói hương trầm ngan ngát… làm du khách hành hương lễ Phật lâng lâng, như lạc vào chốn tịnh lạc, chìm đắm giữa sắc màu thiền lam u nhã.

Ảnh: Một góc Chánh điện mới. Nguồn: Internet


Tổng hợp

Kinh
Sách

Trì
Chú

Học
Phật

Niệm
Phật

Đạo
Và Đời

Cúng
Dường